Giấc ngủ là chìa khóa vàng giúp các bé yêu phát triển khỏe mạnh cả về thể chất và tinh thần. Hiểu rõ thời gian ngủ và đặc điểm giấc ngủ của trẻ sẽ giúp mẹ theo dõi sức khoẻ và sự phát triển của bé đầy đủ nhất. Vậy trẻ sơ sinh cần ngủ bao nhiêu giờ mỗi ngày? Mẹ hãy theo dõi ngay câu trả lời trong bài viết sau đây nhé!
1. Tầm quan trọng của giấc ngủ với trẻ sơ sinh
Theo các bác sĩ, giai đoạn phát triển ban đầu có ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của trẻ trong suốt cuộc đời. Giấc ngủ tốt sẽ đem lại những lợi ích sau đây cho bé yêu trong giai đoạn đầu đời:
-
Giúp trẻ hình thành và phát triển đầy đủ về thể chất và trí não: Khi ngủ sâu, đặc biệt là vào thời gian 22 giờ đến 1 giờ, các hormon tăng trưởng của con sẽ được sản sinh một cách tối đa, giúp bé phát triển chiều cao, cân nặng và não bộ. Từ đó tạo nền tảng phát triển nhận thức của trẻ.
-
Tăng cường miễn dịch, tránh các nguy cơ bệnh tật: Giấc ngủ giúp duy trì cân bằng điều hòa hormon trong cơ thể trẻ, do vậy giúp làm giảm nguy cơ mắc các bệnh thừa cân, béo phì, tim mạch cho trẻ. Một giấc ngủ ngon còn hỗ trợ phát triển hệ thống miễn dịch, giúp cơ thể trẻ đủ sức chống lại các bệnh nhiễm khuẩn và ít ốm hơn.
-
Giúp con tập trung tốt, năng động, hoạt bát và tích cực tương tác với bên ngoài: Ngủ đủ giấc sẽ giúp não bộ nạp năng lượng đầy đủ, trẻ tỉnh tảo và tăng khả năng nhận thức cũng như hứng thú với thế giới xung quanh. Trẻ có giờ ngủ không cố định hay đi ngủ quá muộn thường có nền tảng xã hội kém hơn và tăng khả năng hình thành cách thói quen xấu.
Giấc ngủ tốt đem lại nhiều lợi ích về thể chất và tinh thần cho trẻ
2. Trẻ sơ sinh cần ngủ bao nhiêu giờ mỗi ngày?
Trẻ sơ sinh có nhu cầu ngủ rất cao nhưng chu kỳ ngủ thường ngắn hơn nhiều so với người lớn. Thời gian ngủ cũng thay đổi theo độ tuổi và nhu cầu của từng trẻ:
-
Thời gian ngủ sẽ giảm dần khi trẻ lớn lên.
-
Thời gian ngủ buổi tối có xu hướng nhiều hơn trong khi số lượng và thời gian của mỗi giấc ngủ vào ban ngày sẽ giảm đi.
Bảng thời gian ngủ theo độ tuổi của trẻ sơ sinh:
Độ tuổi | Thời gian ngủ đủ (giờ) | Thời gian mỗi giấc ngủ (giờ) | Số giấc ngủ trong ngày |
1 – 4 tuần tuổi | 16 – 18 | 2 – 4 | 3 – 5 |
1 – 4 tháng | 14 – 15 | 4 – 6 | 3 – 4 |
4 – 6 tháng | 12 – 15 | 1 – 2 | 3 – 4 |
6 – 8 tháng | 12 – 14 | 1 – 2 | 2 – 3 |
9 – 12 tháng | 12 – 14 | 1 – 2 | 2 |
Riêng với trẻ sinh non, thời gian ngủ thường dài hơn so với trẻ đủ tháng. Thậm chí, trẻ có thể dành tới 90% thời gian trong ngày để ngủ. Tuy vậy, thời gian ngủ của trẻ thường không thể tính chính xác do còn phụ thuộc vào việc trẻ sinh ở tuần thứ bao nhiêu và có tình trạng sức khỏe như thế nào.
Thời gian ngủ sẽ thay đổi theo độ tuổi và nhu cầu của từng trẻ
3. 5 mẹo giúp mẹ nâng niu giấc ngủ cho con
Giấc ngủ có tầm quan trọng to lớn cho sự phát triển của bé yêu. Vì vậy, mẹ cần đảm bảo con ngủ đủ giấc và có chất lượng giấc ngủ tốt nhất. Một số mẹo từ các chuyên gia mẹ có thể tham khảo:
Thiết lập thời gian biểu cho trẻ
Mẹ nên tập cho trẻ đi ngủ sớm và đúng một giờ đã định để hình thành phản xạ ngủ tự nhiên trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Đồng thời, mẹ nên dạy trẻ phân biệt ngày đêm bằng cách tăng hoạt động để trẻ thức vào ban ngày và tạo không gian yên tĩnh, thư giãn vào ban đêm để trẻ dễ ngủ.
Đóng bỉm phù hợp cho trẻ trước khi đi ngủ
Tã bỉm cũng đóng vai trò quan trọng cho giấc ngủ của trẻ sơ sinh. Tã bị tràn, hăm bí, ẩm ướt khiến trẻ không thoải mái và dễ tỉnh ngủ, quấy khóc. Đối với bé ở giai đoạn này mẹ có thể lựa chọn miếng lót sơ sinh hoặc tã dán cho bé. Nếu mẹ còn chưa biết rõ về hai dòng sản phẩm này có thể tham khảo thêm tại bài viết: Dùng tã dán hay miếng lót cho trẻ sơ sinh?
Mẹ nên chọn tã bỉm phù hợp để giúp trẻ ngủ ngon giấc hơn
Sau khi chọn đúng sản phẩm bỉm tã, điều quan trọng tiếp theo là mẹ đóng bỉm đúng cách cho con. Nhiều mẹ “tập đầu” chưa quen thuộc với việc đóng bỉm khiến bỉm dễ bị lệch tràn làm bé tỉnh giấc giữa đêm. Để tránh tình trạng này, mẹ nên trang bị cho mình kiến thức về cách đóng bỉm sơ sinh càng sớm càng tốt nhé!
Cho trẻ ăn no trước khi ngủ
Trẻ đói sẽ dễ tỉnh giấc, quấy khóc và khó ngủ lại. Vì vậy mẹ cần cho con bú/ăn no đúng giờ, đúng bữa trước khi đi ngủ. Tuy vậy, không nên cho trẻ ăn quá sát giờ ngủ do sẽ khiến trẻ khó vào giấc ngủ và ngủ không ngon giấc hơn.
Thông thường, các em bé trên 6 tháng tuổi đã có thể nạp đủ năng lượng vào ban ngày. Vì vậy, mẹ có thể cắt bỏ việc bú sữa vào ban đêm để trẻ ngủ ngon hơn.
Tạo sự thoải mái cho trẻ trước khi ngủ
Mẹ nên sắp xếp không gian phòng ngủ thoáng đãng, mát mẻ và yên tĩnh, hạn chế các kích thích ngoại cảnh như ánh sáng và tiếng ồn vì trẻ sẽ dễ giật mình và ngủ không sâu. Mẹ cũng có thể hát ru, đọc truyện hoặc bật nhạc nhẹ nhàng cho trẻ thư giãn và dễ đi vào giấc ngủ.
Không gian ngủ thoáng đãng, yên tĩnh giúp bé yêu ngủ ngon hơn
Sắp xếp giường ngủ và chăn gối thật êm ái
Ngủ trong môi trường mềm mại, êm ái sẽ tạo cho trẻ cảm giác thoải mái và an toàn như trong bụng mẹ. Đồng thời, chăn gối cũng giúp giữ ấm cho trẻ suốt đêm và là vật cản giúp trẻ không bị rơi xuống đất khi xoay người lúc ngủ.
Bên cạnh một chế độ dinh dưỡng đầy đủ, những giấc ngủ chất lượng cũng sẽ giúp trẻ sơ sinh phát triển thể chất và trí tuệ một cách tốt nhất. Hy vọng bài viết trên đây sẽ giúp mẹ có thêm thông tin về thời gian ngủ của trẻ sơ sinh và biết cách nâng niu, chăm chút cho giấc ngủ của con nhé!